Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

Áp xe phổi là gì? Đặc điểm và cách điều trị bệnh áp xe phổi

Áp xe phổi là gì?

Áp xe phổi là một ổ mủ tích tụ trong một hang mới hình thành ở nhu mô phổi. Đó là tình trạng “nhọt” trong phổi do các loại vi khuẩn, ký sinh vật, nấm và nhiều tác nhân khác gây nên. Bệnh nhân có thể tử vong do nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp, suy kiệt tim mạch.
áp xe phổi
bệnh áp xe phổi

Đặc điểm của bệnh áp xe phổi

Các tác nhân gây áp xe có thể vào phổi qua đường máu do nhiễm trùng máu hay cục máu đông, hoặc qua đường hô hấp do bệnh nhân hít vào phổi các mảnh của amidan, VA khi phẫu thuật cắt bỏ.
Tùy theo thể bệnh và loại vi khuẩn mà người bị áp xe phổi có các triệu chứng lâm sàng khác nhau. Bệnh thường trải qua 2 thời kỳ. Trong thời kỳ viêm phổi, bệnh nhân thường có triệu chứng sốt 39-40 độ, môi khô, lưỡi khô, đỏ, đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu. Xét nghiệm thấy bạch cầu tăng. Các triệu chứng khác gồm đau ngực, ho khạc đờm đặc, có khi màu hồng hay màu gỉ sắt, chụp X-quang phổi thấy tổn thương mờ hình tam giác.
Sau đó khoảng 1 tuần là thời kỳ khạc mủ, áp xe vỡ vào phế quản và bị khạc ra ngoài. Mủ ra rất nhiều, màu vàng, nâu, xanh, mùi tanh hoặc thối. Sau khạc mủ, bệnh nhân đỡ sốt, đỡ đau ngực. Lúc này, ổ áp xe rỗng tạo thành hang.

Các biến chứng của bệnh áp xe phổi

Áp xe phổi có thể dẫn tới các biến chứng như vỡ vào màng khoang phổi gây viêm mủ hoặc tràn khí tràn mủ màng phổi. Vi khuẩn từ ổ áp xe có thể chuyển đi nơi khác, gây viêm mủ màng ngoài tim, áp xe não, viêm mủ trung thất. Bệnh nhân cũng có thể gặp các biến chứng khác như nhiễm khuẩn huyết, giãn phế quản và xơ phổi, suy mòn.
áp xe phổi
áp xe phổi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Cách điều trị bệnh áp xe phổi

Để điều trị áp xe phổi, bệnh nhân cần dùng kháng sinh, dẫn lưu đờm bằng phương pháp vỗ rung và theo tư thế, uống các thuốc long đờm. Nếu cần có thể soi phế quản hút mủ hoặc lấy dị vật. Trường hợp áp xe không thông với phế quản thì phải chọc hút và rửa ổ áp xe qua thành ngực. Nếu khỏi, bệnh nhân hết sốt, ăn ngon miệng, lên cân, tổn thương X-quang phổi bị xóa… Nếu quá 3 tháng mà bệnh không đỡ thì phải tiến hành mổ cắt thùy hoặc cả lá phổi.

Phòng tránh bệnh áp xe phổi

Để phòng bệnh, cần vệ sinh răng miệng, tai mũi họng tốt, điều trị các bệnh ở khu vực miệng, hầu ngay từ khi mới mắc. Khi làm các thủ thuật vùng tai mũi họng, răng hàm mặt phải đề phòng áp xe phổi. Bệnh nhân hôn mê, nhược xơ cần nuôi dưỡng bằng ống xông, khi cho ăn phải cẩn thận, không để sặc. Ở trẻ em cần đề phòng sặc các dị vật vào phổi.

0 nhận xét: